Chế độ nghỉ thai sản: Quyền lợi mẹ cần biết

Chế độ nghỉ thai sản: Quyền lợi mẹ cần biết

Chế độ thai sản là quyền lợi hợp pháp của người lao động nữ làm việc tại các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nếu ký hợp đồng lao động vô thời hạn hoặc có thời hạn từ 3 tháng trở lên, đã đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh.

Nội dung bài viết

  • Chuẩn bị nghỉ thai sản
  • Chủ động chọn thời gian thai nghỉ thai sản
  • Nắm kỹ quy định pháp luật và quy chế công ty
  • Bàn giao công việc tỉ mỉ
  • Chuẩn bị tâm lý trở lại làm việc
  • Tìm hiểu về chế độ nghỉ thai sản
  • Những thắc mắc thường gặp về vấn đề nghỉ thai sản
  • Thời gian nghỉ thai sản bao lâu?
  • Khi nào nên bắt đầu nghỉ thai sản?
  • Làm thế nào để thảo luận với sếp về việc nghỉ thai sản?

Nghỉ thai sản trong một khoảng thời gian dài của mẹ bầu ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng công việc chung. Hơn nữa, phụ nữ sau khi sinh con sẽ gặp không ít khó khăn khi trở lại làm việc do thay đổi tâm sinh lý, áp lực đến từ việc công ty và việc chăm con nhỏ. Do đó, trước khi nghỉ thai sản mẹ nên chuẩn bị chu đáo để không ảnh hưởng đến công việc chung và khẳng định mình.

Chuẩn bị nghỉ thai sản

Chủ động chọn thời gian thai nghỉ thai sản

Khi mẹ muốn trở thành một bà mẹ năng động làm việc, khẳng định bản thân mình dù bầu bí thay vì chỉ biết đến bỉm sữa chính hiệu, mẹ nên có một mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và dự tính cụ thể cho kế hoạch sinh con sẽ giúp mẹ tự tin tạm rời vị trí công việc để yên tâm bước vào thời kỳ thai sản và tự tin trở lại sau khi sinh.

  1. Đừng “nghỉ” trước kỳ nghỉ thai sản

Ở bất cứ môi trường công sở nào, khả năng thăng tiến của nhân viên nam luôn cao hơn nhân viên nữ, để khẳng định mình không thua gì các “đấng mày râu” mẹ nên hoàn thiện tốt nhất công việc của mình ngay cả khi đang “bầu vượt mặt.”

Nhưng sức khoẻ của mẹ và bé trong thai kỳ vẫn quan trọng hơn hết nếu thấy nhiệm vụ được giao quá sức thì nên chia sẻ với cấp trên và đồng nghiệp. Tóm lại, trong thời gian thai kỳ, dù bạn nhận được sự thông cảm, ưu tiên từ đồng nghiệp và công ty nhưng không nên ỷ vào sự giúp đỡ của mọi người.

Hãy làm việc đúng kế hoạch và nhiệm vụ được giao, sử dụng thông minh những ngày phép đang có cho việc khám thai và nghỉ ngơi.

  1. Nắm kỹ quy định pháp luật và quy chế công ty

Để đảm bảo quyền lợi khi nghỉ thai sản, mẹ nên tìm hiểu kỹ quy định pháp luật về nghỉ thai sản cho cả vợ và chồng.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 417.000 đồng (mức cũ là 390.000 đồng).

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

  • Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
  • Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
  • Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Mẹ được nghỉ trước và sau thời gian sinh con 6 tháng, trong đó thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng. Còn với những mẹ rơi vào trường hợp đặc biệt thì tính như sau:

  • Đa thai: Từ bé thứ 2 trở đi, bạn sẽ được tính thêm 1 tháng vào thời gian nghỉ
  • Nghỉ thêm: Nếu có nhu cầu nghỉ thêm, bạn có thể xin nghỉ phép không hưởng lương
  • Đi làm sớm: Nếu có đủ sức khỏe để quay lại làm việc trước thời gian nghỉ phép, bạn vẫn nhận được trợ cấp thai sản theo quy định, và nhận thêm tiền lương cho những ngày làm việc của mình.

Ngoài ra, tuỳ theo tính chất công việc mỗi công ty có thể có những quy định riêng về việc này bạn nên kiểm tra lại với nhân sự để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ.

  1. Bàn giao công việc tỉ mỉ

Bạn nên thông báo sớm thời gian nghỉ thai sản chính thức để việc vắng mặt của bạn không ảnh hưởng đến công việc chung và bộ phận nhân sự có thời gian chủ động điều phối nhân sự vào vị trí khuyết. Bạn bàn giao công việc càng kỹ càng, tỉ mỉ thì sẽ càng yên tâm chăm con hơn trong trong thời gian tạm nghỉ.

Sắp xếp bàn làm việc và dữ liệu máy tính gọn gàng cũng là cách thể hiện trách nhiệm và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Dù là tạm nghỉ nhưng bạn cũng nên phân loại, bàn giao những loại giấy tờ quan trọng và cần thiết cho công việc hàng ngày. Đặc biệt, bạn nên lưu riêng một tệp tài liệu cần thiết cho công việc vào hệ thống dữ liệu chung của công ty để khi cần đồng nghiệp có thể giúp bạn tìm mà không xâm phạm đến máy tính riêng của bạn.

  1. Chuẩn bị tâm lý trở lại làm việc

Thời gian nghỉ thai sản dài có thể làm bạn mất đi phản xạ nhạy bén trong công việc. Vì vậy, hãy xác định tâm lý nghỉ thai sản không phải là một đợt nghỉ ngơi dài hạn mà là thời kỳ chuyển tiếp để nhân đôi áp lực. Bạn hãy làm quen và chuẩn bị tinh thần cho việc vừa chăm con vừa đi làm. Ngay trong kỳ thai sản và chăm con bạn cũng nên hỏi thăm tình hình công việc từ các đồng nghiệp thân thiết để tạo sự gắp kết và kịp thời hỗ trợ khi cần.

  1. Tìm hiểu về chế độ nghỉ thai sản

Nếu công ty bạn có bộ phận phụ trách về nhân sự, liên lạc và hỏi về chính sách chính thức liên quan đến việc mang thai và nghỉ thai sản. Đại diện nhân sự sẽ cung cấp thông tin và cho bạn lời khuyên khách quan, vì có thể họ đã tư vấn cho rất nhiều phụ nữ trong tình huống tương tự và cá nhân họ không bị ảnh hưởng gì bởi sự vắng mặt sắp tới của bạn.

Nếu công ty nhỏ và bạn nghĩ rằng có thể đại diện nhân sự sẽ không có khả năng giữ kín thông tin cá nhân của bạn, bạn có thể yêu cầu cung cấp chính sách công ty mà không tiết lộ tình trạng của mình.

Bạn cũng có thể trao đổi với đồng nghiệp, những ai đã trải qua giai đoạn này, phải đảm bảo bạn có thể tin tưởng họ vì tốt hơn hết bạn là người đầu tiên nói với sếp. Nên hỏi họ việc đề xuất nghỉ thai sản thế nào và những phản ứng họ đã gặp khi báo tin mang thai là gì. Tìm hiểu thêm ai trong ban lãnh đạo hoặc có tiếng nói ở nơi bạn công tác sẽ ủng hộ và dễ thông cảm hơn với việc bạn sẽ thông báo.

Những thắc mắc thường gặp về vấn đề nghỉ thai sản

  1. Thời gian nghỉ thai sản bao lâu?

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, thời gian lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng, trong đó thời gian nghỉ trước sinh không quá 2 tháng. Thời gian nghỉ thai sản được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và nghỉ cuối tuần.

Bạn có thể kết hợp với các dịp nghỉ lễ dài ngày (như nghỉ Tết), nghỉ phép năm, nghỉ ốm hay nghỉ không lương tùy theo chế độ chính sách ở doanh nghiệp bạn đang làm việc và các kỳ nghỉ đặc thù của ngành nghề (như nghỉ hè nếu bạn là giáo viên) để có thể có được số ngày nghỉ nhiều hơn.

  1. Khi nào nên bắt đầu nghỉ thai sản?

Không có thời điểm chính xác để bạn nghỉ sinh. Một số phụ nữ nghỉ sinh từ tháng thứ 7 hoặc 8 trong khi số khác làm việc đến sát ngày sinh. Bạn sẽ cần theo dõi tình trạng thai để quyết định thời điểm thích hợp để nghỉ thai sản. Bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ nếu được yêu cầu nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường hoặc có những biến chứng bắt buộc bạn phải ngưng làm việc trước khi sinh. Do đó, bạn nên xem xét hoàn cảnh và sức khỏe bản thân cũng như tình hình nơi bạn làm việc để quyết định nghỉ sinh khi nào là tốt nhất.

Sau kỳ nghỉ thai sản, bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy khó rời xa bé và quay trở lại với công việc. Đa số phụ nữ phải quyết định rất khó khăn để quay lại làm việc, chỉ một số ít nói rằng họ sẵn sàng.

  1. Làm thế nào để thảo luận với sếp về việc nghỉ thai sản?

Trước hết hãy đọc lại sổ tay nhân viên, hỏi bộ phận nhân sự về các chính sách và quy định của công ty liên quan đến chế độ thai sản dành cho nhân viên. Bạn cũng có thể hỏi thăm đồng nghiệp đã có kinh nghiệm về việc này.

Sau đó suy tính xem bạn sẽ muốn có bao nhiêu thời gian nghỉ. Nếu dự tính cả thời gian nghỉ không lương, hãy cân nhắc cẩn thận về tình hình tài chính của gia đình. Và nhớ so sánh với lịch làm việc và lợi ích của cả chồng bạn nữa.

Để gia tăng cơ hội đạt được những gì bạn mong muốn, bạn không nên làm khó sếp của mình. Hãy chuẩn bị sẵn kế hoạch bàn giao công việc trong thời gian bạn nghỉ sinh.

Hãy tham khảo cách những bà mẹ khác đã làm để có được những kinh nghiệm hữu ích nhất.

Cần biết được chính xác những câu hỏi nào bạn nên tìm hiểu ở đồng nghiệp và bộ phận nhân sự về chế độ thai sản năm 2018 để lên kế hoạch tốt nhất.

  1. Nghỉ thai sản có được thưởng Tết không?

Luật Lao động quy định trong điều 103 về chế độ tiền thưởng như sau:

  • Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động
  • Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở

Tiền thưởng nói chung và tiền thưởng Tết nói riêng là khoản tiền mà công ty thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Khoản tiền này do công ty tự quyết định và không có tính bắt buộc.

Do đó, việc nghỉ thai sản có được thưởng Tết hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quy định và chế độ của từng công ty. Muốn biết mình có được thưởng hay không, người lao động cần liên hệ với công ty để có thông tin chính xác nhất.