Thai chưa vào tử cung đã bị sảy là một biến chứng của thai kỳ. Liệu có cách nào để phòng tránh và nếu bị thì mẹ bầu phải làm gì?
Nội dung bài viết
- Thai chưa vào tử cung đã bị sảy có nguy hiểm?
- Nên làm gì sau khi thai chưa vào tử cung đã bị sảy?
- Hạn chế nguy cơ sảy thai sớm
Thai chưa vào tử cung đã bị sảy có nguy hiểm?
Trứng được thụ tinh sẽ hình thành phôi thai. Phôi thai này di chuyển dần vào tử cung để làm tổ và phát triển. Thông thường quá trình thai tiến vào tử cung mất khoảng 9 ngày (hơn 1 tuần) nhưng cũng có trường hợp 12-14 ngày (2 tuần). Và có những khi không may, hành trình thai vào tử cung có thể bị trục trặc, khiến thai chưa vào tử cung đã bị sảy. Điều này có nghĩa, bạn bị sảy thai khi chỉ mới mang thai tối đa được 2 tuần.
Thai chưa vào tử cung đã bị sảy là trường hợp có thể xảy ra ở 15% phụ nữ mang thai. Nhiều phụ nữ, qua phương pháp siêu âm phát hiện mang thai nhưng đến lần kiểm tra kế tiếp đã phát hiện bị sảy thai không rõ lý do. Mẹ có thể phát hiện thai chưa vào tử cung đã bị sảy khi có dấu hiệu ra máu, nhiều trường hợp thấy cả túi thai ra ngoài.
Thai chưa vào tử cung đã bị sảy thường có 2 trường hợp:
- Sảy thai tự nhiên khi thai chưa vào tử cung
Sảy thai tự nhiên là tình trạng thai mới hình thành chưa kịp vào tử cung đã mất, có thể xảy ra ở tháng đầu tiên trong thai kỳ. Khi bị sảy thai tự nhiên, mẹ sẽ thấy ra máu, có thể kèm theo túi thai ra ngoài.
Trường hợp thai chưa vào tử cung đã bị sảy do tự nhiên này không quá nguy hiểm. Song, bạn cần được bác sĩ thăm khám và có chế độ tịnh dưỡng phù hợp. Bác sĩ sẽ cho bạn biết chính xác về tình trạng sức khỏe hiện tại cũng như các ảnh hưởng về sau này cụ thể hơn.
- Sảy thai do thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung rất nguy hiểm cho mẹ bầu
Thai ngoài tử cung là trường hợp thai không làm tổ trong buồng tử cung. Thông thường, những trường hợp này là do vòi trứng bị viêm, vùng chậu hoặc bị dị tật ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng hoặc bị u nang buồng trứng, từng nạo phá thai, bệnh đường tình dục…
Bạn có thể nhận biết thai ngoài tử cung khi thấy âm đạo ra máu kéo dài nhiều ngày và có màu đỏ thẫm. Thêm vào đó, bạn sẽ cảm nhận bụng dưới bị đau kéo dài, âm ỉ, ngày càng đau hơn.
Khi có những dấu hiệu này, vì sức khỏe, thai cần phải được phá càng sớm càng tốt. Nếu không, khi phát triển to hơn, thai có thể vỡ bất kỳ lúc nào do không được buồng tử cung bảo vệ, gây ra hiện tượng chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, đe dọa tính mạng của mẹ.
Nên làm gì sau khi thai chưa vào tử cung đã bị sảy?
Nếu thai chưa vào tử cung đã bị sảy, bạn nên đến bác sĩ sản phụ khoa để được kiểm tra cụ thể về nguyên nhân sảy thai và tình trạng sức khỏe lúc này.
Đặc biết, nếu bạn đã sảy thai sớm liên tiếp từ 2 trở lên và chưa sinh lần nào giữa các lần sảy thai này thì cả hai vợ chồng nên đến bệnh viện để được kiểm tra và có hướng điều trị đúng đắn. Lúc này, cả hai vợ chồng sẽ được xét nghiệm nội tiết sinh dục, xét nghiệm nhiễm sắc thể. Riêng bạn, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra liên quan đến cấu trúc tử cung, buồng trứng. Chồng của bạn cũng sẽ được thử tinh dịch… Từ đó, bác sĩ sẽ có đánh giá toàn diện để phát hiện nguyên nhân sảy thai sớm liên tiếp và tìm cách giải quyết phù hợp. Ví dụ:
- Nếu bạn bị u xơ tử cung, bác sĩ sẽ phẫu thuật bóc u xơ hoặc tách dính buồng tử cung.
- Nếu bị các bệnh liên quan nội khoa, bạn sẽ được chuyển đến khuyên khoa phù hợp để điều trị.
- Nếu gặp các bất thường nhiễm sắc thể, bạn có thể xem xét các biện pháp hỗ trợ sinh sản như xin tinh trùng, xin trứng, xin phôi hoặc nhờ mang thai hộ, tùy vào từng trường hợp cụ thể…
- Nếu bị rối loạn tự miễn dịch, như hội chứng anti phospholipid khiến thai phụ viêm tắc mạch vi thể, dẫn đến thiếu máu nuôi thai, thai ngừng phát triển sẽ được điều trị để giảm nguy cơ tạo ra huyết khối.
- Nếu không thể tìm ra nguyên nhân, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn chế độ dinh dưỡng, dưỡng thai bổ sung nội tiết.
Tuy vậy, thông thường, trường hợp thai chưa vào tử cung đã bị sảy, sảy thai sớm trong khoảng 2 tháng rưỡi, bạn có thể chờ kinh trở lại thì sẽ mang thai lại mà không phải quá lo lắng.
Hạn chế nguy cơ sảy thai sớm
Dưới đây là các giải pháp để giảm nguy cơ sảy thai sớm cũng như các biến chứng khác xảy ra trong quá trình mang thai mà bạn có thể cập nhật:
- Cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản 3-5 tháng trước khi mang thai.
- Bạn nên tiêm ngừa trước khi mang thai vì một số bệnh như rubella nếu thai phụ mắc phải trong thời kỳ bầu bí sẽ rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
- Thực hiện các xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh di truyền.
- Điều trị viêm nhiễm phụ khoa, nếu có để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
- Người chồng cũng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản, điều trị các bệnh lây qua đường tình nếu có vì chúng rất nguy hiểm cho bé.
Ngoài ra, bạn hãy chủ động đến bệnh viện để được khám thai ngay khi phát hiện có thai để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn chi tiết nhằm hạn chế tối đa rủi ro thai kỳ cũng như những biến chứng khác khi mang thai. Đây cũng là cách bảo vệ tốt cho bà bầu khỏi những lo lắng không đáng có trong thai kỳ, bạn nhé!