Vì sao không nên cho bé ăn cơm chan canh
Cho dù là thời tiết nóng bức hay lạnh giá, canh cũng là một trong những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của mỗi gia đình Việt. Nhiều bé, đặc biệt là bé ở tuổi mẫu giáo, rất thích ăn cơm chan canh vì thức ăn “mềm mại” hơn và bé cũng đỡ phải nhai nhiều khi mà thức ăn cứ theo nước canh đi vào hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, thói quen ăn uống này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tiêu hóa của bé. Hãy cùng Gia Đình Nestlé tìm hiểu vì sao không nên cho bé ăn cơm chan canh và tập cho bé một thói quen ăn uống hợp lý hơn nhé!
Vì cơm chan canh rất dễ nuốt nên các bé thường sẽ không nhai kỹ. Lâu dần sẽ hình thành thói quen nhai dối, khiến cho các thực phẩm khi vào đến dạ dày vẫn còn nguyên. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, khiến cơ quan này làm việc quá tải và quá trình tiêu hóa cũng bị chậm lại. Đồng thời, việc này sẽ tăng nguy cơ biếng ăn cho bé, đặc biệt là khi bé ăn các thức ăn cứng bình thường, bé sẽ cảm thấy mệt mỏi và “lười nhai” dẫn đến tình trạng “ngậm cơm” như nhiều gia đình gặp phải.
Nước canh sẽ làm giảm hiệu quả của các enzym có trong nước bọt, khiến việc tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng có trong thức ăn cũng khó khăn hơn. Dẫn đến việc là bé sẽ kém hấp thu và có thể bị thiếu các chất cần thiết. Đồng thời, khi bé vừa ăn thức ăn lợn cợn, vừa nuốt nước canh sẽ dễ gây tình trạng hóc, sặc. Cũng chính vì nguyên nhân này, bạn cũng nên lưu ý không cho bé uống nước khi đang ăn hoặc đang nhai.
Lượng nước canh cùng thực phẩm sẽ khiến cho bé dễ bị “no ngang”. Bé sẽ nhanh no nhưng thực tế là vẫn chưa nhận đủ năng lượng và vi chất dinh dưỡng cần thiết từ bữa ăn. Vì vậy mà, bạn chỉ nên cho bé ăn canh vào cuối bữa ăn, khi đã hoàn tất các món khác. Đồng thời, nên làm gương để bé luôn ăn chậm, nhai kỹ, giúp cho thức ăn được “nghiền nhuyễn” trước khi vào dạ dày, giúp việc hấp thu dinh dưỡng hiệu quả hơn.
Để giúp bé có một thói quen ăn uống tốt và hợp lý thì chính bố mẹ phải trở thành tấm gương cho bé. Hãy luôn duy trì thời gian ăn uống cố định của các bữa ăn trong gia đình, không nên kéo dài thời gian ăn của bé hơn so với các thành viên khác. Nếu bé đói, bạn vẫn có thể cho bé ăn thêm trái cây hoặc uống sữa sau bữa ăn để bổ sung năng lượng và dinh dưỡng nhưng nếu cứ kéo dài bữa để “chiều bé” thì bé sẽ hình thành thói quen “nhơi cơm” khiến bữa ăn trở nên mệt mỏi cho cả mẹ và bé. Bên cạnh đó, bạn không nên cho bé vừa xem tivi hoặc vừa chơi game vừa ăn cơm để giúp bé tập trung vào bữa ăn, giúp cơ thể tiêu hóa hiệu quả hơn và giảm nguy cơ hóc sặc.